Kể chuyện âm nhạc là nội dung chỉ có ở Tiểu học, học sinh Tiểu học rất thích nghe kể chuyện và tham gia các trò chơi. Học Âm nhạc ở Tiểu học, mỗi năm các em được nghe 1-2 câu chuyện, đó là những câu chuyện âm nhạc của Việt Nam và các nước.
Kể chuyện âm nhạc nhằm bổ sung cho học sinh sự hiểu biết và cảm xúc âm nhạc, giúp các em nhận thức được vai trò của âm nhạc trong cuộc sống. Học sinh nghe và có thể kể lại nội dung tóm tắt của câu chuyện. Kể chuyện còn phát triển tư duy, trí tưởng tượng, bồi dưỡng tình cảm, đạo đức cho học sinh, dạy các em cách chăm chú lắng nghe mà không ngắt lời người khác.
Thời lượng thực hiện nội dung kể chuyện âm nhạc khoảng 15 phút. Phương pháp kể chuyện âm nhạc cũng giống như kể chuyện ở môn Tiếng Việt, chỉ khác ở chỗ học sinh được nghe nhạc, nhằm minh họa cho câu chuyện và phát triển thẩm mĩ âm nhạc.
Giáo viên có thể tiến hành kể chuyện theo các bước sau:
Bước 1: Giới thiệu về câu chuyện
Giáo viên giới thiệu tên, xuất xứ hoặc khái quát về câu chuyện, có thể đưa ra các bức tranh trước khi bắt đầu câu chuyện, nhằm kích thích trí tưởng tượng của học sinh. Ví dụ với câu chuyện Cá heo với âm nhạc, giáo viên hỏi: Hãy xem các bức tranh này, theo em, nội dung câu chuyện nói về điều gì?
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848603edf5.vws.vegacdn.vn/UploadImages%2fhaiphong%2fthlehongphongngoquyen%2f2023_4%2f11%2fo2_114202310.jpg?w=900)
Tranh 1 - Đàn cá heo gặp nguy hiểm
Câu hỏi: Đàn cá đang có biểu hiện gì?
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848603edf5.vws.vegacdn.vn/UploadImages%2fhaiphong%2fthlehongphongngoquyen%2f2023_4%2f11%2fo3_114202310.jpg?w=900)
Tranh 2 - Tàu phá băng đến cứu
Câu hỏi: Con tàu có liên hệ gì với đàn cá?
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848603edf5.vws.vegacdn.vn/UploadImages%2fhaiphong%2fthlehongphongngoquyen%2f2023_4%2f11%2fo4_114202310.jpg?w=900)
Tranh 3 - Đàn cá nhất định không chịu bơi theo con kênh
Câu hỏi: Vì sao đàn cá không chịu bơi theo con kênh?
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848603edf5.vws.vegacdn.vn/UploadImages%2fhaiphong%2fthlehongphongngoquyen%2f2023_4%2f11%2fo5_114202310.jpg?w=900)
Tranh 4 - Người thủy thủ nhớ ra cá heo rất nhạy cảm với âm nhạc
Câu hỏi: Người thủy thủ đã làm gì để thu hút cá heo?
![Nhấn vào ảnh để phóng to](https://848603edf5.vws.vegacdn.vn/UploadImages%2fhaiphong%2fthlehongphongngoquyen%2f2023_4%2f11%2fo6_114202310.jpg?w=900)
Tranh 5 – Tiếng nhạc thu hút cá heo
Câu hỏi: Điều gì đã khiến đàn cá heo reo vui và bơi theo con tàu?
Nếu không có tranh, giáo viên cũng có thể đặt một vài câu hỏi trước khi kể chuyện, như: Theo các em, câu chuyện này nói về điều gì? Em nghĩ điều gì sẽ xảy ra trong câu chuyện? Trong truyện có nhân vật nào? Em nghĩ nhân vật đó như thế nào, sẽ làm gì?...
Bước 2: Giáo viên kể chuyện
Đây là bước quan trọng nhất khi dạy nội dung này, những điều giáo viên cần lưu ý là:
- Nắm vững nội dung câu chuyện.
- Ngôn ngữ rõ ràng, dễ hiểu, có cảm xúc.
- Biết thêm bớt tình tiết để câu chuyện trở nên sinh động, tự nhiên và hấp dẫn hơn.
- Biết sử dụng ánh mắt và cử chỉ để diễn đạt câu chuyện.
Để hấp dẫn học sinh và giúp các em có thể kể lại câu chuyện đã nghe, giáo viên nên chuẩn bị một vài bức tranh minh họa cho nội dung từng đoạn của câu chuyện. Giáo viên treo tranh lên bảng theo thứ tự, rồi dựa vào đó để kể chuyện. Học sinh theo dõi để ghi nhớ nội dung câu chuyện. Một số lưu ý về vẽ tranh minh hoạ: một câu chuyện dùng khoảng 4-5 bức là thích hợp; mỗi bức cần thể hiện được nội dung của từng đoạn; nên vẽ trên cùng khổ giấy, cùng chiều giấy, cùng màu sắc và cách vẽ.
Nếu không có tranh, giáo viên có thể kể chuyện rồi phát huy trí tưởng tượng của học sinh bằng cách yêu cầu các em vẽ một bức tranh minh họa (đơn giản) cho nội dung từng đoạn trong chuyện.
Khi đang kể chuyện, giáo viên có thể tạm dừng lại và đặt một vài câu hỏi, như: Theo các em, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chuyện gì đang xảy ra trong bức tranh này? Tại sao nhân vật đó lại hành động như vậy? Nếu có điều kiện, có thể tổ chức cho các nhóm đoán xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Bước 3: Củng cố
Cách thứ nhất, giáo viên đặt một vài câu hỏi, học sinh trả lời để khắc sâu nội dung câu chuyện. Ví dụ:
- Câu chuyện có thật hay tưởng tượng?
- Câu chuyện xảy ra ở đâu?
- Câu chuyện có những ai? Tại sao nhân vật lại hành động như vậy?
- Điều gì xảy ra ở phần đầu câu chuyện? Điều gì xảy ra tiếp theo? Điều gì xảy ra ở cuối câu chuyện?
- Em yêu thích nhân vật nào, không thích nhân vật nào?
- Tên câu chuyện là gì?
- Vai trò của âm nhạc trong câu chuyện?
- Cảm nhận của em về câu chuyện?
Cách thứ hai, giáo viên đưa ra các chi tiết, yêu cầu học sinh sắp xếp chúng theo trình tự câu chuyện. Ví dụ: Hãy sắp xếp các chi tiết sau theo trình tự câu chuyện Khúc nhạc dưới trăng.
- Bét-tô-ven chơi đàn trong tâm trạng xúc động.
- Bét-tô-ven sáng tác bản Sô-nát Ánh trăng.
- Bét-tô-ven nghe tiếng nhạc.
- Bét-tô-ven mời cha con người thợ giầy đi xem.
- Bét-tô-ven nhận ra cô gái bị mù.
- Bét-tô-ven gõ cửa và được mời vào nhà.
- Cha con người thợ giầy nhận ra Bét-tô-ven.
- Bét-tô-ven đi dạo trong đêm.
- Câu chuyện của cha con người thợ.
Đáp án đúng sẽ là:
- Bét-tô-ven chơi đàn trong tâm trạng xúc động (6)
- Bét-tô-ven sáng tác bản Sô-nát Ánh trăng (9)
- Bét-tô-ven nghe tiếng nhạc (2)
- Bét-tô-ven mời cha con người thợ giầy đi xem (8)
- Bét-tô-ven nhận ra cô gái bị mù (5)
- Bét-tô-ven gõ cửa và được mời vào nhà (4)
- Cha con người thợ giầy nhận ra Bét-tô-ven (7)
- Bét-tô-ven đi dạo trong đêm (1)
- Câu chuyện của cha con người thợ (3)
Bước 4: Học sinh tập kể chuyện
Học sinh có thể đứng tại chỗ hoặc lên trước lớp, dựa vào tranh minh hoạ, kể từng đoạn (phần đầu, phần giữa, phần cuối) hoặc toàn bộ câu chuyện, các em cũng có thể dựa vào những chi tiết đã sắp xếp theo thứ tự để tập kể chuyện.
Ngoài ra, tổ chức cho học sinh đóng kịch cũng là một cách dạy học sáng tạo. Giáo viên hoặc một em làm người dẫn truyện, còn phần đối thoại sẽ do các em khác thực hiện.
Bước 5: Giáo dục thái độ
- Dạy học sinh chăm chú lắng nghe mà không làm việc riêng, không ngắt lời người khác.
- Giáo viên nêu vai trò của âm nhạc trong chuyện.
- Liên hệ với thực tế để động viên học sinh cố gắng học âm nhạc.
Bước 6: Nghe nhạc
- Giáo viên giới thiệu một bản nhạc minh họa cho câu chuyện.
- Cho học sinh nghe đoạn trích.
Lưu ý giáo viên về sự khác nhau giữa kể chuyện ở lớp 1, 2, 3 và lớp 4, 5.
Nguyên nhân tạo nên sự khác biệt bởi vì ở lớp 1, 2, 3 chưa có sách giáo khoa nên học sinh chưa biết gì về câu chuyện sẽ nghe, trong khi ở lớp 4, 5 đã có sách và hầu như các em đều đã đọc và biết trước về câu chuyện đó.
Vì vậy với lớp 1, 2, 3, giáo viên hoàn toàn có thể đọc diễn cảm câu chuyện trong sách giáo khoa cho học sinh nghe, nhưng ở lớp 4, 5, giáo viên cần nắm vững câu chuyện và kể lại sao cho sáng tạo, không nhất thiết phải truyền đạt đúng từng từ, mà giáo viên phải trở thành tác giả của câu chuyện, như thế mới tạo được sự hấp dẫn, thu hút được hứng thú của học sinh.
Với học sinh lớp 1, 2, 3, giáo viên có thể giới thiệu một vài bức tranh rồi đặt câu hỏi gợi trí tưởng tượng của các em trước khi kể. Hoạt động này tạo cho học sinh cảm giác thân thiện và tò mò. Khi kể hết một đoạn, giáo viên có thể vận dụng một số biện pháp để kích thích trí tưởng tượng và khả năng phán đoán của học sinh. Biện pháp thứ nhất là đặt câu hỏi: theo các em, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Biện pháp thứ hai, giáo viên tổ chức cho các nhóm học sinh thảo luận điều gì sẽ xảy ra. Biện pháp thứ ba, giáo viên đưa ra một số kiểu kết thúc câu chuyện, học sinh sẽ lựa chọn một kiểu kết thúc phù hợp.
Nếu giáo viên thấy kĩ năng kể chuyện của mình chưa tốt, có thể chỉ định học sinh đọc từng đoạn trong câu chuyện hoặc mời các em xung phong kể câu chuyện đó.