Địa lí là môn học có tính tổng hợp, học môn địa lí chúng ta sẽ được cung cấp một khối lượng kiến thức phong phú về những kĩ năng, về tự nhiên, kinh tế xã hội, những kiến thức về khoa học tự nhiên, dân cư, xã hội và các hoạt động kinh tế của con người trên toàn thế giới, được nghiên cứu về những vấn đề phức tạp trong không gian, lãnh thổ. Trong quá trình học tập phải luôn luôn tìm hiểu các mối quan hệ giữa hiện tượng, sự vật trong quá trình phát triển và biến đổi không ngừng của chúng.
Học địa lí không những giúp chúng ta hiểu biết về các đối tượng, hay những hiện tượng tự nhiên, về kinh tế xã hội, mà còn giải đáp được rất nhiều thắc mắc của những điều tưởng chừng như không tồn tại trong cuộc sống chúng ta.
Trong quá trình học, nhiều bạn không hào hứng với môn Địa lí. Khi trò chuyện, tôi thấy phần lớn các bạn đều cho rằng đây là môn học phụ, lại còn khó nhớ kiến thức, hay bị nhầm lẫn giữa cùng một yếu tố ở các vùng miền khác nhau. Suốt ngày phải làm việc với các lược đồ chằng chịt những kí hiệu. Một số bạn rất lúng túng khi phải chỉ bản đồ, lược đồ hay ngại đọc sách, tìm tài liệu, chưa biết thu thập, xử lí thông tin, chưa biết kết nối các yếu tố địa lí… Tất cả những yếu tố đó đã làm nảy sinh tâm lí ngại và sợ học môn Địa lí ở các bạn.
Sau đây, tôi xin chia sẻ một số cách học Địa lí mà tôi đã áp dụng có hiệu quả:
1. Thay vì học thuộc, hãy chép tay.
Khi vừa học xong, bạn có thể nhớ tất cả các kiến thức Địa lí. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, bạn chỉ còn nhớ được một phần rất ít kiến thức. Vì vậy, hãy cầm bút lên và ghi chép lại tất cả các kiến thức cần nhớ.
2. Hệ thống lại kiến thức cần nhớ bằng sơ đồ tư duy.
Cách đơn giản nhất để sổ ghi chép kiến thức của bạn được sử dụng đúng, hãy viết kiến thức của bạn theo hệ thống và theo sơ đồ. Điều này sẽ giúp bạn ghi nhớ một cách có hệ thống và lâu dài hơn. Và bạn cũng có thể xem lại và được gợi nhớ về kiến thức bất cứ khi nào bạn cần đến.
3. Kết hợp kiến thức lí thuyết với thực tế.
Để ghi nhớ lí thuyết tốt hơn, bạn hãy liên hệ với thực tế.
Ví dụ: Học bài Vùng biển nước ta, bạn có thể liên hệ với những kiến thức bạn biết được ở biển Đồ Sơn, Cát Bà của quê hương mình.
4. Học mọi lúc mọi nơi.
Khi đã hoàn thành quyển sổ ghi chép của mình, hãy thử học ở nhiều nơi khác nhau, đọc thêm một vài câu trên đường, lúc nghỉ giải lao hay khi đang học môn khác có kiến thức liên quan. Chỉ đơn giản là việc nhìn qua và nhẩm lại, bạn sẽ khắc sâu được kiến thức của mình.
5. Tự tạo niềm yêu thích với môn học.
Thực tế đã chứng minh, bạn có thể cố gắng và làm tốt mọi việc khi có niềm yêu thích và say mê với nó. Để có được điều đó, bạn cần nhận định rõ ràng: Địa lí cũng là môn học vô cùng quan trọng, không chỉ trong việc học tập ở trường học mà còn bổ sung rất tốt cho kiến trức trong cuộc sống. Bạn cần chịu khó quan sát, tìm hiểu những sự vật, hiện tượng đang xảy ra xung quanh, từ đó đưa ra thắc mắc và tìm cách giải quyết. Điều này sẽ kích thích sự hứng thú đối với môn học này cho bạn.
Các bạn thấy đấy, học Địa lí không hề khó. Việc quan trọng đầu tiên đó chính là nhìn nhận tầm quan trọng của môn học đúng cách, từ đó tìm cho mình những cách học phù hợp. Với những kiến thức mình vừa chia sẻ, mong rằng các bạn sẽ tìm được cách học dành riêng cho mình. Chúc các bạn luôn học tốt, đặc biệt là với môn Địa lí vô cùng thú vị này nhé!
|
Người viết
Hoàng Văn Hiển - Giáo viên K5
|