Tục ngữ Việt Nam có câu” Nét chữ, nết người ”. Rèn chữ viết là rèn cho mỗi người tính gọn gàng, ngăn nắp, cẩn thận, lòng tự trọng đối với chính mình cũng như mọi người khi đọc chữ của mình. Đối với học sinh Tiểu học, nếu các em viết đúng, đẹp, đảm bảo tốc độ trong các giờ Viết – môn Tiếng Việt thì trong các môn học khác các em có phương pháp học tập khoa học, nắm kiến thức nhanh và tốt hơn.
Để chữ viết của học sinh được hoàn thiện, theo tôi cần phải có một số biện pháp sau:
Luôn luôn tạo cho lớp học một không khí vui vẻ, thoải mái trong giờ học.
Học sinh lớp 2 còn nhỏ, hiếu động, xương cơ rất mềm mại, cổ tay chưa linh hoạt nên GV phải kiên trì uốn nắn tư thế ngồi ngay ngắn, cách cầm bút đúng quy định.
Rèn tính cẩn thận, kiên trì, bồi dưỡng lòng say mê, tinh thần quyết tâm rèn luyện chữ viết thông qua gương hiếu học của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và ông Cao Bá Quát. Bên cạnh đó gv còn phải cho các em quan sát vở mẫu của cô hoặc của các bạn khác. Từ đó các em thêm tin tưởng và say mê rèn chữ.
Để học sinh nắm được tốt hơn về cấu tạo, hình dáng, kích cỡ của chữ viết thì chữ mẫu phải đúng qui định của Bộ, rõ ràng và đẹp.
Muốn học sinh viết đúng và đẹp, khâu luyện tập rất quan trọng. Việc luyện tập có nhiều giai đoạn. Lúc đầu viết đúng hình chữ, cỡ chữ sau đó tiến tới viết đẹp thể hiện ở việc luyện viết trên bảng con và trong vở tập viết.
Để việc rèn vở sạch, viết chữ đẹp thành công thì cơ sở vật chất có ảnh hưởng không nhỏ vào công việc đó. Đồ dùng của học sinh đầy đủ, bàn ghế đúng qui định, phù hợp với tầm vóc của học sinh. Bảng lớp sơn chống lóa và được treo ở nơi mà mọi học sinh đều thấy rõ.Ánh sáng phải đủ, không bị lấp bóng và tránh cận thị.
Cùng với các biện pháp trên kết hợp với lòng yêu nghề mến trẻ, có đức tính kiên trì không nôn nóng chắc hẳn việc rèn chữ cho học sinh lớp 2 sẽ thành công.
Mai Phương Thu - GV khối 2